/* */

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Nội soi lấy dị vật đường hô hấp

I>Đại cương :

Dị vật đường hô hấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ em dưới 4 tuổi.
Dị vật đường thở rất đa dạng : thức ăn như xương cá,vỏ tôm, mảnh thịt, hạt sapoche, hạt bắp, hạt đậu, thỏi socola… Đôi khi là thuốc viên (còn vĩ), nắp bút, răng giả, đinh sắt, cặp tóc…
Dị vật có thể mắc vùng thanh quản, khí quản, phế quản.
Dị vật đường thở có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu có tắc nghẽn nặng các đường hô hấp lớn (thanh môn, khí quản), đôi khi dị vật nhỏ rơi xuống nhánh phế quản, ít gây khó thở nên bị bỏ qua lâu ngày thành dị vật bỏ quên, gây áp-xe phổi, ho ra máu, xẹp phổi.

II>Nguyên nhân:

Trẻ em hay đưa các vật cầm trên tay vào miệng, người lớn ngậm các vật dụng trong lúc làm việc, bệnh nhân có các bệnh lý rối lọan vận động vùng thanh quản là điều kiện dễ đưa các vật dụng rơi vào đường hô hấp hay đường tiêu hóa
Thường xảy ra khi hít mạnh vào, sau trận cười, khóc, sặc thức ăn.
Hay gặp bệnh nhân liệt họat động khép thanh môn, mới phẩu thuật vùng thanh quản,tai nạn giao thông, mới gây mê…
- Tùy theo vị trí mắc kẹt của dị vật, tính chất của dị vật và thời gian bệnh nhân đến khám, sẽ có các triệu chứng khác nhau.
+ Nếu dị vật kẹt vùng thanh quản: dị vật nhỏ chỉ gây khan tiếng nhẹ, khó chịu, nuốt khó, khó thở ít. Những dị vật lớn gây khó thở cấp, khò khè, bứt rứt, vật vã.
+ Dị vật ở khí quản: Thường là dị vật tương đối lớn, lọt qua thanh quản không lọt qua phế quản được. Có thể cắm vào thành khí quản, không di động, nhưng thường di động từ dưới lên trên, hoặc từ trên xuống dưới, từ cửa phân chia phế quản gốc đến hạ thanh môn
+ Dị vật phế quản: Thường ở phế quản bên phải nhiều hơn vì phế quản này có khẩu độ to hơn và nằm xuôi hơn phế quản bên trái, thường dị vật phế quản cố định khá chắc vào lòng phế quản do bản thân dị vật hút nước chương to ra, niêm mạc phế quản phản ứng phù nề giữ chặt lấy dị vật. Sau hội chứng xâm nhập ban đầu có một thời gian im lặng khoảng vài ba ngày, trẻ chỉ húng hắng ho, không sốt nhưng chỉ hâm hấp, nghe phổi không có mấy dấu hiệu, thậm chí chụp X-quang phổi, 70 - 80% trường hợp gần như bình thường. Đó là lúc dễ chẩn đoán nhầm, về sau là các triệu chứng vay mượn: xẹp phổi, khí phế thũng, viêm phế quản - phổi, áp xe phổi...

III> Chẩn đoán:

1> Hỏi bệnh sử : Tình huống đang ngậm hoặc đang ăn, đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát. Đó là hội chứng xâm nhập xảy ra khi dị vật qua thanh quản, niêm mạc bị kích thích, chức năng phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản được huy động để tống dị vật ra ngoài.
2> Khám lâm sàng :
-Cơn ho kịch liệt như để tống dị vật ra ngoài,
-Bệnh nhân khó thở dữ dội có tiếng thở rít, co kéo, tím tái, vã mồ hôi có khi tiêu tiểu cả ra quần.
- Khó thở thanh quản kéo dài, nếu dị vật ở thanh quản. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những cơn ho sặc sụa, khó thở và nghe thấy tiếng cờ bay: nghĩ tới dị vật ở khí quản.
- Xẹp phổi viêm phế quản - phổi: nghĩ tới dị vật phế quản
3> Xét nghiệm :
Xquang : nếu là dị vật có cản quang, có thể cho biết vị trí, hình dáng dị vật. Có thể có xẹp phổi. Nếu dị vật không cản quang khó thấy dị vật.
CTscan ngực : thường phát hiện tình cờ dị vật khi chỉ định CTscan do nhưng biến chứng xẹp phổi, khò khè chưa rõ nguyên nhân.
Nội soi thanh – khí – phế quản: vừa giúp chẩn đoán xác định vừa để điều trị.
4> Chẩn đóan xác định : Thuờng bằng nội soi, đôi khi thấy bằng CTscan ngực
5> Chẩn đoán phân biệt :
- Khò khè, khó thở do suyễn, COPD
- Xẹp phổi do nguyên nhân khác : u phổi, lao phổi cũ, tắc đàm..

IV>Chỉ định và chống chỉ định :


1. Chỉ định :
-Bệnh sử có hội chứng xâm nhập (nếu dị vật không cản quang)
-Phát hiện dị vật đường thở qua Xquang, CTscan
-Phát hiện dị vật qua nội soi
2. Chống chỉ định :
Bệnh nhân không đồng ý nội soi hoặc có các bệnh lý nặng (suy hô hấp cấp, nhồi máu cơ tim cấp…) ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân.

V> Điều trị (thủ thuật soi gắp) :


Nột soi phế quản để gắp dị vật là biện pháp tích cực nhất để điều trị dị vật đường thở. Nếu ống mềm không gắp được có thể chuyển sang gắp bằng ống soi cứng.
Trường hợp đặc biệt khó, dị vật sù sì và sắc nhọn không thể lấy ra được theo đường thở tự nhiên bằng nội soi khí phế quản (rất hiếm gặp), có khi phải mở lồng ngực, mở phế quản để lấy dị vật.
Rất cần chú ý nếu có khó thở nặng thì phải mở khí quản trước khi soi. Nếu bệnh nhân mệt nhiều, cần dược hồi sức, không nên quá vội vàng soi ngay. Trường hợp bệnh nhân lúc đến khám không có khó thở lắm, nhưng có những cơn khó thở xảy ra bất thường và vì điều kiện nào đó chưa lấy được dị vật hoặc phải chuyển đi, mở khí quản có thể tránh được những cơn khó thở đột ngột bất thường.
- Dị vật ở thanh quản: soi thanh quản để gắp dị vật.
- Dị vật ở khí quản: soi khí quản để gắp dị vật.
- Dị vật ở phế quản: soi phế quản để gắp dị vật.
Các dụng cụ gắp dị vật : forcep (kềm sinh thiết), kềm cá sấu, kẹp 3 chia, bóng chèn, thong lọng…
Sau khi soi và gắp dị vật qua đường tự nhiên, tuy dị vật đã lấy ra, có thể gây phù nề thanh quản, cần theo dõi khó thở.
Đồng thời phối hợp các loại kháng sinh, chống phù nề, giảm xuất tiết, nâng cao thể trạng và trợ tim mạch.

VI> Biến chứng:


-Biến chứng có thể gặp : suy hô hấp cấp,ho ra máu ít, hiếm gặp: rối lọan nhịp tim, nhồi máu cơ tim, tràn khí màng phổi, bí tiểu, ngưng tim.

VII> Theo dõi sau soi :

Chủ yếu theo dõi tình trạng hô hấp, tình trạng ho ra máu sau gắp dị vật.

Trở về trang chính